Lắng nghe gió hát

風の歌を聴け (Kaze no uta o kike)
©1979 Haruki Murakami
Tam Diệp Thảo dịch từ bản tiếng Indonesia
Dengarlah nyanyian angin ©2008 PT Gramedia Jakarta
(ISBN. 978-979-91-0137-2)

 

21.

Nửa tháng trôi qua sau ngày bạn gái thứ ba của tôi mất, tôi đọc tác phẩm Witch của Michelet[1]. Quyển sách rất tuyệt. Trong đó có một câu viết như sau.

“Remi, vị thẩm phán vĩ đại của vùng Lorainne, đã thiêu sống 800 phù thủy, và cảm thấy mình chiến thắng trong ‘sự cai trị khủng bố’ này. Ông nói, ‘Nhờ công lý của ta ngay chính là vậy, mười sáu người bị bắt vài ngày trước đã treo cổ tự tử không đợi đến ngày xét xử.’ (Kōichirō Shinoda dịch)”

Câu viết ‘Nhờ công lý của ta ngay chính là vậy’, thật sự hay tuyệt.

 

22.

Điện thoại đổ chuông.

Lúc đó, tôi đang xoa kem dưỡng carmaine để làm dịu gương mặt cháy nắng đỏ au vì đã bơi liên tục trong hồ bơi. Sau khi để điện thoại đổ chuông khoảng mười hồi, tôi buộc phải ngồi dậy khỏi ghế và nhấc điện thoại sau khi thả miếng tăm bông đã được xếp thẳng hàng thành dáng một bàn cờ.

“Xin chào. Tôi đây.”

“Ờ,” tôi nói.

“Anh đang làm gì vậy?”

“Chẳng làm gì cả.”

Tôi dùng khăn chặm lên gương mặt đang xót buốt.

“Hôm qua vui thật. Lâu rồi tôi không vui đến vậy.”

“Tốt quá rồi.”

“Àhh, anh thích thịt bò hầm không?”

“Có.”

“Tôi vừa mới làm xong, nhưng một mình thì chắc ăn suốt tuần mới hết. Anh có muốn ăn không?”

“Cũng được thôi.”

“Oke. Đến đây ngay trong vòng một tiếng. Nếu đến trễ, tôi sẽ quẳng tất cả vào thùng rác đấy. Hiểu chứ?”

“Này…”

“Tôi không thích chờ đợi. Có vậy thôi.”

Sau khi nói vậy, cô cúp máy ngay mà chẳng đợi tôi đáp lời.

Tôi lại nằm xuống ghế bành. Trong lúc nghe top forty qua radio tôi mơ màng ngắm trời mây suốt gần mười phút, tắm vòi sen, cạo râu bằng nước nóng, rồi mặc áo sơ-mi và quần Bermuda vừa được gửi đến từ chỗ giặt là. Buổi chiều yên bình. Tôi lái xe dọc theo bờ biển ngắm nhìn ánh tà dương. Trước khi rẽ vào đại lộ tôi mua hai chai vang lạnh cùng một cây thuốc lá.

Trong lúc cô dọn bàn và xếp bộ đồ ăn màu trắng bạch, tôi mở nút bần chai rượu bằng đầu dao gọt trái cây. Làn hơi mỏng tỏa ra từ món bò hầm khiến không khí trong phòng trở nên ngột ngạt.

“Tôi không nghĩ trời sẽ nóng thế này. Cứ như luyện ngục vậy.”

“Luyện ngục nóng hơn nhiều.”

“Cứ như anh từng đến luyện ngục ấy?”

“Tôi nghe người ta kể vậy. Nếu ai đó bị nóng đến sắp phát điên, người ta sẽ chuyển họ vào chỗ mát. Sau khi đã khỏe hơn một chút, họ lại được đưa về chỗ cũ.”

“Như trong phòng tắm hơi nhỉ.”

“Đúng vậy. Nhưng trong số đó cũng có người thật sự phát điên và mãi mãi không trở về chỗ cũ.”

“Những người như vậy sẽ ra sao?”

“Được đưa lên thiên đường. Ở đó họ sẽ được yêu cầu đi sơn tường. Nói cách khác, tường thiên đường phải luôn luôn trắng sạch. Không được phép có bất kỳ vết bẩn nào. Nếu không sẽ làm xấu hình ảnh thiên đường. Vì thế, hầu hết họ đều mắc bệnh hô hấp vì phải sơn tường liên tục mỗi ngày từ sáng đến tận đêm.”

Sau đó, cô không hỏi gì thêm nữa. Sau khi cẩn thận vớt vụn bần sót lại trong chai, tôi đổ rượu vào hai ly thủy tinh.

“Vang lạnh ấm tình.”

Cô nói vậy khi chúng tôi chạm ly.

“Nghĩa là gì?”

“Một quảng cáo trên truyền hình. Vang lạnh ấm tình. Anh chưa từng xem quảng cáo đó sao?”

“Chưa.”

“Anh không bao giờ xem truyền hình nhỉ?”

“Hiếm khi. Lúc trước tôi cũng thường xem truyền hình. Tôi thích nhất là phim Lassie. Dĩ nhiên là những tập đầu tiên.”

“Anh quả thật rất thích động vậy đấy.”

“Ừ.”

“Tôi thì có thể xem truyền hình mỗi ngày nếu đang rảnh rỗi. Đủ mọi chương trình. Hôm qua tôi có xem buổi tranh luận giữa chuyên viên sinh học với chuyên viên hóa học. Anh có xem không?”

“Không.”

Sau khi uống một ngụm vang, cô lắc đầu như thể chợt nhớ ra một điều gì đó.

“Này, Pasteur quả là có trực giác khoa học đấy.”

“Trực giác khoa học?”

“… Nghĩa là vầy. Nhà khoa học thông thường sẽ suy nghĩ kiểu này. A bằng B, B bằng C, vậy nên A bằng C, QED. Đúng không?”

Tôi gật đầu.

“Nhưng Pasteur thì không vậy. Thứ ông nghĩ trong đầu là A bằng C mà thôi. Không cần chứng minh gì cả. Nhưng thật tình cờ giả thuyết của ông đã được lịch sử chứng minh, và suốt đời mình những phát minh quan trọng ông đã tạo ra nhiều không đếm xuể.”

“Vắc-xin đậu mùa.”

Cô đặt ly vang của mình lên bàn rồi chăm chăm nhìn tôi sững sờ.

“Này, chẳng phải Jenner mới là người tìm ra vắc-xin đậu mùa sao? Cũng lạ là anh có thể đậu đại học đấy.”

“… Vắc-xin bệnh dại và phương pháp tiệt trùng Pasteur, nếu không nhầm.”

“Chính xác.”

Sau khi mím môi cười đắc thắng, cô uống hết chỗ vang trong ly rồi lại rót rượu thêm vào.

“Trong chương trình tranh luận đó, khả năng như thế được gọi là trực giác khoa học. Anh có không?”

“Hầu như là không.”

“Theo anh, tốt hay không nếu mình có khả năng đó?”

“Có lẽ sẽ hữu dụng cho một việc nào đó. Chẳng hạn, có thể dùng được lúc lên giường với đàn bà.”

Cô bật cười rồi đi vào bếp và trở ra mang theo chảo thịt bò hầm, một tô salad, và bánh mì khoanh. Cơn gió mát lành từng chút một thổi luồn vào qua ô cửa rộng mở.

Chúng tôi thong thả vừa dùng bữa vừa nghe nhạc phát ra từ máy hát đĩa than. Trong lúc ăn, cô hỏi tôi về cuộc sống ở đại học và ở Tokyo. Chẳng phải chuyện hấp dẫn gì. Tôi kể về việc thí nghiệm với mèo. “Dĩ nhiên tôi không giết chúng,” tôi nói dối, “chỉ là những thí nghiệm để quan sát khía cạnh tâm lý mà thôi.” Tuy vậy, thực tế, trong hai tháng tôi đã giết ba mươi sáu con mèo, cả lớn lẫn nhỏ. Tôi cũng kể về những cuộc biểu tình và bãi công. Rồi tôi cho cô xem chiếc răng cửa bị cảnh sát chống bạo động đập gãy.

“Anh có ý định báo thù không?”

“Chẳng thể đâu,” tôi trả lời.

“Tại sao? Phải tôi, tôi sẽ tìm tên cảnh sát đó rồi dùng búa đập gãy vài ba chiếc răng của hắn.”

“Tôi là tôi, dẫu sao mọi chuyện cũng đã rồi. Hơn nữa tất cả cảnh sát chống bạo động đều có dáng người từa tựa nhau, nên tôi chẳng thể nào tìm ra hắn ta.”

“Nếu vậy, chẳng có ý nghĩa gì cả đúng không?”

“Ý nghĩa?”

“Điều khiến răng anh bị gãy đấy.”

“Đúng là không có thật,” tôi bảo.

Cô thở dài như thể chán chường, rồi đưa vào miệng một muỗng thịt bò hầm.

Dùng bữa xong chúng tôi uống café, cùng nhau rửa chén trong căn bếp chật hẹp, rồi quay lại bàn, châm thuốc và nghe đĩa nhạc MJQ[2].

Cô mặc áo sơ-mi, mỏng đến độ trông rõ bộ ngực, và quần thun ngắn hơi hở phần eo; tệ hơn nữa, chân chúng tôi đôi lần chạm vào nhau dưới bàn, lâu dần mặt tôi đỏ bừng mỗi lúc điều đó xảy ra.

“Ngon chứ?”

“Rất ngon.”

Cô cắn nhẹ môi dưới.

“Sao anh chẳng nói gì cả nếu chưa được hỏi vậy?”

“Chả biết nữa. Có lẽ là thói quen. Tôi luôn quên mất phải nói những điều cơ bản nhất.”

“Tôi có thể khuyên anh không?”

“Cứ tự nhiên.”

“Anh sẽ bị tổn thương nếu không thay đổi thói quen đó.”

“Cũng có thể là vậy. Nhưng tôi chẳng khác gì chiếc xe cũ nát. Nếu chỉ sửa một phần, những phần còn lại trông sẽ chói mắt lắm.”

Cô cười nắc nẻ, rồi thay đĩa than đang hát bằng đĩa Marvin Gaye[3]. Đồng hồ đã điểm 20.00 gần kề.

“Hôm nay anh không phải lau giày sao?”

“Lát khuya về tôi sẽ lau, sẵn tiện đánh răng luôn.”

Cô chống khuỷa tay gầy gò của mình lên mặt bàn và thư thái tựa cằm lên hai tay, rồi thể hiện nét mặt như thể đang trộm nhìn vào sâu trong mắt tôi. Việc đó khiến tôi thấy lúng túng. Đôi lần tôi vờ châm thuốc hay nhìn ra ngoài cửa sổ để tránh ánh nhìn của cô, và mỗi lần tôi làm vậy cô ngay lập tức nhìn tôi như thấy chuyện gì nhộn lắm.

“Này, tôi tin rồi.”

“Tin gì?”

“Rằng đêm hôm ấy anh không làm gì tôi cả.”

“Sao cô lại nghĩ vậy?”

“Muốn biết tại sao không?”

“Không,” tôi trả lời.

“Tôi đã đoán anh chắc chắn sẽ nói vậy,” vừa nói cô vừa cười khúc khích. Cô rót rượu vang vào ly cho tôi, rồi nhìn ra bóng đêm bên ngoài ô cửa như đang nghĩ ngợi điều gì.

“Đôi lúc tôi nghĩ sẽ tuyệt làm sao nếu có thể sống mà không làm phiền người khác. Theo anh, giả chừng tôi có thể không?” cô hỏi.

“Sao nhỉ.”

“Này, liệu tôi có không làm phiền anh không?”

“Không đâu.”

“Tại thời điểm này?”

“Ừ, thời điểm này.”

Cô chậm rãi đưa tay lên mặt bàn rồi đặt lên trên tay tôi, sau đó vài giây cô rút tay lại.

“Mai em sẽ đi.”

“Đi đâu?”

“Em chưa biết nữa. Nhưng em định sẽ đi đến nơi nào đó thật yên tĩnh và mát mẻ. Trong khoảng một tuần.”

Tôi gật đầu.

“Khi nào quay về, em sẽ gọi điện cho anh.”

Trên đường về, trong xe hơi, bỗng nhiên tôi nhớ đến cô gái đầu tiên mình hẹn hò. Đó đã là chuyện bảy năm về trước.

Suốt buổi hẹn, cảm giác như tôi mãi hỏi thế này từ đầu chí cuối, “Này, mày không thấy chán hay sao?”

Chúng tôi đang xem phim có Elvis Presley thủ vai chính. Nhạc nền thế này.

We had a quarrel, a lover’s spat
I write I’m sorry
But my letter keeps coming back
So then I dropped it in the mailbox
And send it special D
Bright and early next morning
It came right back to me
She wrote upon it:
Return to sender, address unknown.
No such person, no such zone
.

Thời gian trôi nhanh là thế.

 

23.

Người phụ nữ thứ ba tôi quan hệ đã gọi dương vật của tôi là ‘raison d’être[4] của anh.’

Ngày trước có lần tôi thử viết truyện dài lấy chủ đề raison d’être của nhân loại. Viết chẳng tới đâu, nhưng suốt thời gian đó tôi mãi nghĩ về raison d’être của con người, và vì vậy ngắm dần một thói quen kỳ lạ. Tôi không thể không biến đổi một điều gì đó thành ra con số. Nỗi ám ảnh đó đeo đuổi tôi mãi suốt đâu chừng tám tháng. Khi lên xe lửa, điều đầu tiên tôi làm là đếm số hành khách, đếm số bậc thang, và nếu có thời gian tôi sẽ đếm cả nhịp tim của mình. Dựa theo ghi chép trong thời gian ấy, từ ngày 15 tháng Tám năm 1969 đến ngày 3 tháng Tư năm sau, tôi đã đến lớp học cả thẩy 358 lần, làm tình 54 lần, và hút hết 6.921 điếu thuốc.

Thời điểm đó tôi tin rằng mình có lẽ sẽ truyền đạt được điều gì đó đến người khác thông qua thói quen số hóa mọi điều. Và chừng nào còn có điều muốn truyền đạt đến người khác, chừng đó mình còn thật sự tồn tại, tôi đã nghĩ vậy. Tuy nhiên như tôi đã đoán được trước đó, không một ai tỏ ra hứng thú với tổng số thuốc lá tôi đã hút, số bậc thang tôi đã đếm, cũng như kích cỡ dương vật của tôi. Rốt cuộc, tôi đánh mất raison d’être của mình, và cô độc đến tận cùng.

Khi người ta báo tôi biết cái chết của cô, số thuốc tôi hút đã là 6.922 điếu.

 


[1] Jules Michelet, một sử gia người Pháp.

[2] Viết tắt của từ Modern Jazz Quartet, thành lập năm 1952 bởi Milt Jackson (đàn tăng rung), John Lewis (dương cầm và đồng thời là ca sĩ chính), Percy Heath (bass) và Kenny Clarke (bộ trống) sau được thay bởi Connie Kay vào năm 1955.

[3] Tên thật là Marvin Pentz Gay Jr. sinh ngày 2 tháng 4 năm 1939, ông là ca sĩ, nhà soạn nhạc, viết ca khúc, sản xuất âm nhạc, đồng thời là một nhạc sĩ đa năng từng hai lần đoạt giải Grammy.

[4] Lý do hay mục đích của sự tồn tại.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑